DINH DƯỠNG VÀ LÀN DA – CÁC HỢP CHẤT TỰ NHIÊN

Carotenoid

Một số thành phần trong thực vật có tác dụng bảo vệ tế bào khỏi stress oxy hóa như carotenoid, flavonoid, polyphenol, tocopherol và vitamin C. Trong một nghiên cứu gần đây, Stahl và cộng sự chứng minh rằng dùng nhiều lycopene (carotenoid chính trong cà chua, quả mơ, đu đủ, bưởi hồng, ổi và dưa hấu) có hiệu quả trong việc ngăn chặn hoặc hạn chế ban đỏ gây ra bởi tia cực tím, thử nghiệm được tiến hành trên nhóm người tình nguyện sử dụng sản phẩm giàu lycopene trong 10 đến 12 tuần.

Trước đây, Stahl và cộng sự từng điều tra sự tương quan của việc sử dụng bột cà chua dinh dưỡng giàu lycopene với khả năng bảo vệ chống lại ban đỏ do tia UV gây ra ở người. Nguồn năng lượng mô phỏng bức xạ mặt trời được sử dụng để gây ban đỏ ở vùng da xương bả vai khi bắt đầu nghiên cứu và sau tuần 4 và 10. Trong khoảng thời gian 10 tuần, nhóm thử nghiệm đã sử dụng 40 g bột cà chua với 10 g dầu ô liu trong khi nhóm chứng chỉ sử dụng dầu ô liu. Hàm lượng carotenoid là tương đương giữa hai nhóm khi bắt đầu nghiên cứu và không có sự khác biệt đáng kể giữa các nhóm ở tuần thứ 4. Vào tuần thứ 10, nhóm chứng không có sự thay đổi về nồng độ carotenoid trong huyết thanh, nhưng ở nhóm thử nghiệm có nồng độ lycopene cao hơn cùng với ban đỏ suy giảm đến 40% so với nhóm chứng. Trong các thí nghiệm tiếp theo liên quan đến việc ăn bột cà chua hàng ngày (16 mg ngày) trong 10 tuần, Stahl và Sies cũng  chứng minh được kết quả tương tự. Từ đó họ kết luận rằng mỗi vi dưỡng chất carotenoid đều cung cấp sự bảo vệ tối ưu cho da.

Trong một nghiên cứu song song, có đối chứng với giả dược, tác dụng bảo vệ chống lại ban đỏ của beta-carotene (24 mg/ngày) được so sánh với cùng liều các loại carotenoid kết hợp gồm beta-carotene, lutein và lycopene (8 mg/ngày mỗi loại) hoặc giả dược trong 12 tuần. Mức độ ban đỏ trước và 24 giờ sau khi chiếu xạ bằng thiết bị mô phỏng ánh sáng mặt trời đã được ghi nhận và theo dõi sau 6 và 12 tuần thử nghiệm. Kết quả cho thấy cường độ ban đỏ giảm dần 24 giờ sau khi tiếp xúc (ở tuần 6 và 12) ở cả hai nhóm thử nghiệm, với sự hình thành ban đỏ ít hơn đáng kể sau 12 tuần so với ban đầu. Tuy không quan sát được thay đổi trong nhóm chứng, nồng độ carotenoid trong huyết thanh cũng tăng đáng kể, gấp 3-4 lần trong nhóm betacarotene và 1-3 lần trong nhóm carotenoid hỗn hợp.

Hiệu lực bảo vệ quang học của lycopene tổng hợp (nhóm 1) cũng đã được so sánh với tác dụng của chiết xuất cà chua (nhóm 2) và một loại đồ uống có chứa loại chiết xuất này (nhóm 3) sau 12 tuần sử dụng. Nồng độ lycopene huyết thanh và carotenoid trên da tăng đáng kể, tác dụng bảo vệ chống lại sự hình thành ban đỏ có được ở tất cả các nhóm, nhưng lớn hơn ở nhóm 2 và 3. Các nhà nghiên cứu đặt giả thiết rằng phytofluene và tiền chất carotenoid phytoene có thể là tác nhân chính tạo nên tác dụng này.

Cuối cùng, lutein và zeaxanthin trong các loại rau lá xanh, đã được bổ sung trong 2 tuần trong chế độ ăn của chuột cái Skh-1 trụi lông để xác định phản ứng của da với UVB. Kết quả cho thấy hiện tượng phù da giảm đáng kể ở nhóm thử nghiệm có sử dụng lutein và zeaxanthin.

Polyphenol

Polyphenol là một nhóm rộng lớn gồm hơn 8000 hợp chất tự nhiên, chất chuyển hóa thực vật thứ cấp có tác dụng chống oxy hóa với nhiều mức độ khác nhau. Nhóm hợp chất tuy đa dạng nhưng có chung một thành phần cấu trúc rõ ràng – một phenol hoặc một vòng thơm có ít nhất một nhóm hydroxyl. Polyphenol là một phần cực kỳ quan trọng và là chất chống oxy hóa mạnh nhất có thể thu được từ bữa ăn của con người, có mặt ở nhiều loại rau, trái cây, thảo mộc, ngũ cốc, trà, hạt cà phê, keo ong và rượu vang đỏ. Flavonoid là polyphenol phong phú được nghiên cứu nhiều nhất, và có thể được chia thành nhiều phân nhóm nhỏ.

  • Flavone: apigenin, luteolin
  • Flavonol: quercetin, kaempferol, myricetin và fisetin
  • Flavanone: naringenin, doperidin, eriodictyol
  • Isoflavone: genistein, daidzein
  • Flavanol hay catechin: epicatechin, epicatechin 3-gallate, epigallocatechin, epigallocatechin 3-gallate, catechin, gallocatechin
  • Anthocyanidin: cyanidin, pelargonidin
  • Proanthocyanidin: pycnogenol, leukocyanidin, leucoanthocyanin

Ngoài ra còn có rất nhiều các polyphenol khác như:

  • Stilbene: resveratrol trong rượu vang đỏ
  • Lignan: enterodiol trong hạt lanh và dầu hạt lanh
  • Tannin: acid ellagic trong quả lựu, mâm xôi, dâu tây, việt quất và óc chó
  • Acid hydroxycinnamic, phenolic, caffeic và ferulic : thường có trong thực phẩm

Một thử nghiệm thành công gần đây cho thấy rằng việc uống một hợp chất polyphenolic mang lại nhiều lợi ích cho làn da. Theo một cuộc điều tra về tác dụng chống lão hóa của isoflavone trong cỏ ba lá đỏ được sử dụng với hàm lượng cao cho bữa ăn, thành phần này làm giảm ảnh hưởng của các triệu chứng mãn kinh và loãng xương, các nhà nghiên cứu đã sử dụng chiết xuất cỏ ba lá đỏ có chứa 11% isoflavone trên chuột được cắt bỏ buồng trứng trong 14 tuần, kết quả cho thấy nồng độ collagen tăng đáng kể ở nhóm điều trị, độ dày biểu bì và mức độ keratin hóa bình thường ở nhóm được điều trị nhưng giảm dần ở nhóm đối chứng. Từ đó, họ kết luận rằng quá trình lão hóa da do suy giảm estrogen có thể được giảm thiểu bằng cách sử dụng thường xuyên isoflavone có trong cỏ ba lá đỏ.

Những thực phẩm chứa hàm lượng polyphenol cao

Rau củ Trái cây Khác
Actisô Táo/Lê Coca
Bông cải xanh Hạt cà phê
Bắp cải Quả mọng Hạt lanh/dầu hạt lanh
Cà tím Cherry Ngũ cốc
Rau diếp Citrus Các loại đậu
Oliu Quả lý chua (đen và đỏ) Sáp ong
Củ hành tây Nho Rượu vang đỏ
Đậu nành Đào Trà (xanh và đen)
Cải bó xôi Mận