Hút mỡ là một quy trình thẩm mỹ loại bỏ mỡ thừa ở các vùng khác nhau của cơ thể bao gồm đùi, mông, bụng, cánh tay và cổ, từ đó giúp điều chỉnh đường nét của cơ thể làm tăng đáng kể tính thẩm mỹ.
Hiệu quả từ quy trình hút mỡ thường rất cao và đạt được ngay lập tức. Chỉ với chi phí vừa phải, các khối mỡ thừa ở đùi, bụng,.v.v… có thể biến mất hoàn toàn và có lẽ sẽ không cần phải kiêng cử chế độ ăn uống sau đó. Và nếu mỡ thừa xuất hiện trở lại sau một thời gian thì chỉ cần tốn một khoản chi phí như vậy để thực hiện một quy trình khác? Hầu hết mọi người có thể có suy nghĩ này (khoảng nửa triệu quy trình hút mỡ được thực hiện tại Mỹ mỗi năm). Tuy nhiên, thực tế có vẻ không phải như vậy.
Về cơ bản, hút mỡ là một quy trình phẫu thuật xâm lấn thường được tiến hành trong điều kiện gây mê toàn thân với tỷ lệ tác dụng phụ nghiêm trọng chỉ chiếm một phần nhỏ trong số các bệnh nhân. Hầu hết mọi người đều tin rằng sẽ có được các kết quả tốt mà không có bất kỳ tác dụng phụ nào.
Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây đã xác định rằng hút mỡ cũng có một số nhược điểm không quá rõ ràng nhưng lại ảnh hưởng đến phần lớn bệnh nhân. Mỡ thừa sẽ tái lại trong vòng một năm. Tình trạng này thường khó có thể được phát hiện sớm bởi mỡ thừa thường phân bố trở lại ở các vùng khác nhau.Ví dụ, mỡ được hút ở đùi sẽ chủ yếu trở lại vùng bụng, cánh tay và vai.
Hiện tượng tái lại này là đề tài nghiên cứu thực hiện bởi Dr. Teri Hernandez và đồng nghiệp tại Đại học Colorado và đã được đăng trên tạp chí Obesity vào tháng 7 năm 2011. Nghiên cứu này tiến hành trên các đối tượng phụ nữ có mỡ thừa rõ ở đùi và được tiến hành ngẫu nhiên, nghĩa là một số đối tượng sẽ được lựa chọn ngẫu nhiên để thực hiện quy trình hút mỡ và phần còn lại sẽ được quan sát với vai trò là nhóm kiểm soát không được điều trị. Đúng như mong đợi, các đối tượng thực hiện hút mỡ có sự cải thiện đáng kể cả về tỷ lệ mỡ tổng thể nói chung cũng như lượng mỡ ở đùi nói riêng. Tuy nhiên, trong vòng một năm, lượng mỡ toàn cơ thể ở những đối tượng này lại trở về mức trước khi điều trị. Đáng chú ý là trong nhóm thực hiện hút mỡ, lượng mỡ ở đùi vẫn duy trì được kết quả cải thiện trong khi lượng mỡ ở bụng (hoặc có thể ở cả một số vùng khác) lại tăng lên.
Thực tế một nghiên cứu đơn lẻ dù được thực hiện đúng vẫn thường không đủ để có thể thiết lập một kiến thức y học. Tuy nhiên, giả sử hiện tượng này là có thật thì cũng không phải là điều gì quá bất ngờ bởi nó có sự liên hệ với nguyên tắc chính của sinh lý học được gọi là cân bằng nội môi.
Về cơ bản, cân bằng nội môi là sự cân bằng thích hợp của môi trường bên trong cơ thể sống. Để có thể thực hiện được các chức năng một cách bình thường, cơ thể cần có các thông số sinh lý được ổn định ở trong vùng tối ưu: nhiệt độ nên ở khoảng 370C (98.60F), huyết áp khoảng 120/80, đường huyết từ 70-120 mg/dl,.v.v… Cân bằng nội môi là phương hướng hoạt động của hệ thống để duy trì sự ổn định của cơ thể bao gồm các thông số sinh lý nằm ở vùng tối ưu. Lượng mỡ của cơ thể có vẻ là một trong các thông số nội môi chính yếu và được cân bằng cùng với các yếu tố liên quan như tiêu thụ thức ăn và tiêu hao năng lượng. Nếu cân bằng nội môi bị can thiệp bởi liệu pháp hút mỡ, cơ thể có thể sẽ cố gắng phục hồi lại sự cân bằng này thông qua một số cách nào đó. Phản ứng này xảy ra như thế nào?
Hệ thống nội tiết tố giữ vai trò giám sát lượng mỡ của cơ thể bằng cách nhận biết lượng hormone được phóng thích bởi các tế bào chất béo, đặc biệt là leptin. Mặc khác, có vẻ nó lại không đánh giá được lượng leptin đóng góp cụ thể bởi mỗi vùng. Nếu một lượng mỡ ở đùi biến mất, hệ thống nội tiết tố sẽ nhận biết được rằng cơ thể đã mất đi một lượng mỡ nhất định nhưng lại không xác định được vùng mất mỡ chính xác. Kết quả là cơ thể sẽ cố gắng phục hồi lại lượng mỡ này bằng cách huy động các cơ chế tích lũy chất béo. Bên cạnh đó, việc hút mỡ lại có thể phá hủy các mạng lưới mô liên kết cần thiết cho việc phát triển các tế bào chất béo mới, dẫn đến trở ngại cho sự phục hồi mỡ tại vùng điều trị. Nói chung, hiện tượng mỡ tái lại ở vùng khác tỏ ra thỏa đáng hơn là gây nên sự ngạc nhiên. Dù vậy, một kết quả hợp lý vẫn cần nhiều nghiên cứu để được chấp nhận.
Giả sử các nghiên cứu trong tương lai chứng minh được phát hiện của Dr. Hernandez, điều này sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với những đối tượng đang cân nhắc thực hiện quy trình hút mỡ? Khi đó, việc này ít nhất sẽ khiến cho hút mỡ không còn là lựa chọn tốt để giảm cân. Dù sao từ trước đến nay, các chuyên gia y tế cũng đã luôn khuyến cáo không nên lựa chọn phương pháp hút mỡ cho các mục đính giảm béo, trong khi đó một số người lại xem liệu pháp này như một kế hoạch giảm cân để thỏa mãn nhu cầu ăn uống, một việc làm hoàn toàn không tốt.
Đáng chú ý hơn, sau khi nghiên cứu của Dr. Hernandez kết thúc, những phụ nữ đã được thực hiện quy trình hút mỡ vẫn rất hạnh phúc với kết quả đạt được. Họ đánh giá cao sự cải thiện về tính thẩm mỹ ở đùi. Hơn nữa, những đối tượng trong nhóm quan sát vẫn quyết định sẽ thực hiện quy trình này dù nhận thức đầy đủ về kết quả nghiên cứu. Có vẻ nhiều phụ nữ xem hút mỡ như một phương pháp tạo đường nét cho cơ thể và có lẽ sẽ sẵn sàng chấp nhận tình trạng mỡ tái lại ở các vùng khác của cơ thể vì lợi ích giảm béo ở vùng mong muốn.