THÀNH PHẦN DỊ ỨNG TRONG MỸ PHẨM: HƯƠNG LIỆU

Ngày nay, mỹ phẩm được sử dụng ngày càng nhiều, do sự tiếp xúc thường xuyên của mỹ phẩm với cơ thể nên chúng cần được xác định độ an toàn. Thông thường, mỹ phẩm là nguyên nhân gây nhiều tác dụng phụ, chủ yếu là phản ứng quá mẫn. Các nhóm thành phần mỹ phẩm thường gặp tác dụng phụ là hương liệu, chất bảo quản và chất màu.

Tình hình dị ứng mỹ phẩm

Mỹ phẩm có mặt hàng ngày trong cuộc sống của chúng ta. Người ta ước tính có khoảng 95% phụ nữ và 75% nam giới tiếp xúc hàng ngày với mỹ phẩm. Luật mỹ phẩm ở Ba Lan ngày 30 tháng 3 năm 2001 định nghĩa rằng một sản phẩm mỹ phẩm là bất kỳ chất hóa học hoặc hỗn hợp tiếp xúc trực tiếp với bề mặt cơ thể nhằm mục đích duy nhất hoặc mục đích chính là làm sạch, nuôi dưỡng, bảo vệ, tạo hương hoặc thay đổi bề ngoài. Luật này cũng quy định quá trình đưa sản phẩm ra thị trường. Tuy nhiên, tỷ lệ tác dụng phụ vẫn xảy ra sau khi sử dụng mỹ phẩm bởi một số thành phần chứa trong nó. Tác dụng phụ được định nghĩa là bất kỳ tác động bất lợi hoặc không mong muốn nào của mỹ phẩm khi được sử dụng bình thường hoặc trong những điều kiện hợp lý khác, kể cả khi tuân thủ hướng dẫn sử dụng và bất kỳ chỉ định hoặc thông tin nào được cung cấp bởi nhà sản xuất.

Mỹ phẩm được chia thành hai nhóm: nhóm không cần rửa sạch trên da và nhóm phải rửa sạch sau khi sử dụng. Nhóm đầu tiên bao gồm kem, lotion, nước hoa và chúng có độ mẫn cảm cao. Nhóm thứ hai cần rửa sạch sau khi sử dụng, chẳng hạn như dầu gội đầu và các chất tẩy rửa khác, ít gây nhạy cảm hơn do tiếp xúc với da trong thời gian ngắn.

Nhóm mỹ phẩm cần rửa sạch sau khi sử dụng, như dầu gội đầu, sữa rửa mặt ít gây kích ứng do tiếp xúc với da trong thời gian ngắn

Cuộc khảo sát về ứng dụng của mỹ phẩm cho thấy tỷ lệ dị ứng với các thành phần của mỹ phẩm gia tăng ở nhiều nước. Nghiên cứu được thực hiện bởi Thyssen và cộng sự ở Đan Mạch cho thấy 56,7% phụ nữ và 33,6% đàn ông gặp phải tác động bất lợi khi sử dụng mỹ phẩm ít nhất một lần trong đời. Người ta ước tính có khoảng 10% các tác dụng phụ chung, quá mẫn hoặc kích ứng liên quan đến mỹ phẩm. Theo Wojciechowska và cộng sự, tác dụng phụ xảy ra trong khoảng 15% dân số sử dụng mỹ phẩm. Những dữ liệu này hoàn toàn phù hợp với kết quả nghiên cứu, trong đó ước tính 8 – 15% những trường hợp viêm da tiếp xúc xảy ra do mỹ phẩm.

Hương liệu, chất bảo quản, chất màu là những thành phần gây dị ứng quan trọng

Các phản ứng phụ chủ yếu phụ thuộc vào thành phần hóa học của mỹ phẩm và thời gian tiếp xúc. Có mối liên quan rõ ràng giữa tần suất sử dụng mỹ phẩm và sự gia tăng dị ứng. Một yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới sự hình thành của viêm da tiếp xúc là vị trí sử dụng. Việc sử dụng mỹ phẩm trên da bị kích ứng hoặc viêm làm tăng nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ. Hương liệu, chất bảo quản, chất màu là những thành phần quan trọng nhất trong mỹ phẩm liên quan đến quá mẫn tiếp xúc, trong khi chất nền, chất nhũ hóa, chất ổn định, chất làm tăng độ nhớt, chất chống oxy hóa, chất giữ ẩm và chất tạo độ nhớt ít gây ra phản ứng hơn.

Hương liệu

Hương liệu là thành phần thiết yếu trong hầu hết mỹ phẩm, sản phẩm gia dụng và thực phẩm. Các sản phẩm riêng lẻ có thể chứa từ 10 đến 300 những hợp chất này. Số lượng lớn nhất thường chứa trong nước hoa, trong đó có thể lên đến 60% hương liệu (trong chiết xuất nước hoa). Ngành công nghiệp hương liệu sử dụng khoảng 3000 loại hương, có nguồn gốc từ tự nhiên hoặc tổng hợp.

Hương liệu là thành phần gây dị ứng rất thường xuyên

Với sự phong phú của các hợp chất tạo mùi trong mỹ phẩm, một hỗn hợp các hợp chất gây dị ứng được sử dụng trong các xét nghiệm sàng lọc dị ứng tiếp xúc. Một hỗn hợp của 8 loại hương liệu phổ biến (Fragrance Mix – FM) thường được sử dụng để kiểm tra dị ứng tiếp xúc.

Theo một số nghiên cứu, thử nghiệm FM phát hiện độ nhạy cảm với hương liệu lên đến 70% gặp dị ứng, nhưng nhiều nghiên cứu khác đã báo cáo tỷ lệ này thấp hơn nhiều, khoảng 30%. Hỗn hợp này bao gồm cinnamic aldehyde và alcohol, eugenol và isoeugenol, geraniol, hydroxycitronellal, amyl cinnamaldehyde và oakmoss (rêu sồi). Một nghiên cứu được tiến hành ở Đan Mạch trên khoảng 10,000 bệnh nhân eczema cho thấy 5,5% số người tham gia thử nghiệm cho phản ứng dương tính sau khi tiếp xúc với hỗn hợp. Phổ biến nhất là phản ứng dị ứng với oakmoss, hợp chất gây nhạy cảm theo thứ tự tiếp theo là isoeugenol, cinnamic aldehyde, cinnamic alcohol, eugenol, hydroxycitronellal, geraniol và cuối cùng là amyl cinnamaldehyde. Dị ứng với oakmoss và isoeugenol, thành phần phổ biến trong các sản phẩm khử mùi và nước hoa cao cấp, được cấm sử dụng trong mỹ phẩm ở Liên minh Châu Âu. Nhiều nỗ lực trong việc thay thế isoeugenol bằng acetate, nhưng chưa có kết quả khả quan.

Nhựa thơm peru cũng được bổ sung làm hương liệu trong nhiều mỹ phẩm và sử dụng rộng rãi là do đặc tính hãm màu. Rất nhiều chất gây dị ứng nằm sau cái tên phổ biến này như: cinnamic aldehyde và acid, cinnamic cinnamon, cinnamon benzoate, benzyl benzoate, vanillin, acid vanillic, nerolidol và farnesol. Do sự có mặt của rất nhiều thành phần, nhựa thơm peru có nguy cơ cao về các phản ứng chéo.

Từ 5 – 14% bệnh nhân eczema dị ứng với hương liệu mỹ phẩm. Tuy nhiên, người ta ước tính rằng độ nhạy cảm với hương liệu xảy ra ở 1-16% dân số. Quá mẫn với hương liệu thường xảy ra dưới dạng viêm da tiếp xúc dị ứng, mề đay và phản ứng quang độc tính. Những thay đổi này liên quan đến các vùng da khác nhau, bao gồm mặt, cổ, nách hoặc bàn tay.

Hình ảnh dị ứng da với hương liệu