QUÁ TRÌNH THAY DA TỰ NHIÊN CỦA DA

Da là cơ quan lớn nhất của cơ thể, ngăn cách môi trường bên ngoài và bên trong cơ thể. Da bảo vệ chúng ta chống lại một loạt các yếu tố gây hại từ bên ngoài như bức xạ cực tím, các tác nhân vật lý hóa học và sinh học. Bên cạnh đó, da còn đóng vai trò như một bộ phận nhận cảm ngoại vi. Diện tích da người trưởng thành khoảng 2.2 m2, với độ dày trung bình là 2.5 mm và có tỷ trọng so với nước là 1.1. Da chiếm khoảng 6% trọng lượng cơ thể người trưởng thành, tức khoảng 5-6 kg.

Về cơ bản, da được cấu tạo bởi 2 loại mô chính: lớp biểu bì – lớp tế bào xếp thành tầng, không có mạch máu, có độ dày trung bình từ 75-150 micromet và lớp mô liên kết bên dưới gọi là lớp bì – bao gồm các nguyên bào sợi và các chất nền ngoại bào. Tuy lớp bì chỉ có độ dày 2 micromet, nhưng nó đóng vai trò trung tâm của làn da bởi vì nó có chứa hệ thống thần kinh, mạch máu, mạch bạch huyết và các phần phụ của da.

Cấu tạo lớp biểu bì

Lớp biểu bì là một lớp gồm nhiều tầng tế bào biểu mô được keratin hóa hay sừng hóa, bao phủ toàn bộ cơ thể, chấm dứt ở các chỗ nối với niêm mạc. Lỗ chân lông và nang tóc phá vỡ sự liên tục này. Lớp này được phân chia thành 4 tầng bởi những loại tế bào có khả năng sản xuất ra keratin.

Cấu tạo biểu bì gồm nhiều lớp

Lớp ngoài cùng được gọi là tầng sừng chứa 15-20 lớp tế bào không có nhân được gọi là các tế bào sừng. Trong quá trình biệt hóa, các tế bào mất dần khả năng phân chia và đến lớp sừng các tế bào không còn khả năng phân chia. Các tế bào sừng này sản xuất ra một protein gọi là keratin có vai trò quan trọng trong hàng rao bảo vệ của da. Bên cạnh đó, các lớp khác của lớp biểu bì cũng sản xuất ra protein này nhưng với tỷ lệ khác nhau với tỷ lệ 30% ở tầng đáy đến 80% ở tầng sừng. Các tế bào sừng có nguồn gốc từ các các lớp tế bào ở tầng đáy. Lớp này cũng quyết định tính thấm của các tác nhân từ bên ngoài vào bên trong cơ thể, các liên kết chéo giữa các phân tử keratin tạo nên một màng bảo vệ, có tính thấm chọn lọc đối với các chất.

Tiếp theo, lớp kế tiếp được gọi là tầng hạt, với khoảng 3-5 lớp tế bào không phân chia, dạng phẳng, sản xuất các hạt gọi là keratinohyalin. Lớp tiếp theo là tầng gai, gồm 8-10 lớp tế bào hình gai, có khả năng phân chia giới hạn. Lớp cuối cùng được gọi là tầng đáy, chứa những tế bào có khả năng phân chia và biệt hóa thành các lớp bên trên, ngoài ra tầng này còn chứa những tế bào Markel và những tế bào sắc tố sản xuất ra melanin.

Quá trình thay da tự nhiên

Các lớp tế bào bên ngoài của lớp biểu bì bắt nguồn từ một nhóm các tế bào ở lớp dưới cùng của biểu bì gọi là lớp đáy. Lớp đáy này còn được gọi là lớp tế bào mầm hay tầng mầm. Các tế bào lớp đáy phân chia và di chuyển dần lên bề mặt da, trong qua trình di chuyển, chúng sẽ mất dần khả năng phân chia và trải qua một quá trình gọi là quá trình sừng hóa hay sự keratin hóa.

Trong quá trình keratin hóa, các tế bào sẽ được thấm nhuận một protein gọi là keratin. Có hai loại keratin, loại keratin trong lớp biểu bì của da được gọi là keratin mềm, loại này cũng có trong tóc và lông. Loại keratin thứ hai là loại cứng, có mặt trong móng tay và móng chân, đóng vai trò tạo nên sự vững chắc của các cấu trúc này. Keratin là cấu trúc chính của lớp biểu bì da, tạo nên sự đàn hồi, giảm thiểu sự bốc hơi của nước, chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn và các chất lạ từ môi trường bên ngoài.

Quá trình di sừng hoá (thay da) của biểu bì

Từ lớp đáy, các tế bào tiếp theo hình thành một tầng tế bào gọi là tầng gai. Các tế bào tầng gai di chuyển lên bề mặt hình thành nên lớp hạt- các tế bào lớp này chứa đầy các hạt trong bào tương. Lớp cuối cùng là tầng sừng, bởi vì các tế bào tạo nên những cầu sừng dưới kính hiển vi, các tế bào tầng này mỏng dẹt và xếp chồng lên nhau như các lớp ngói trên mái nhà.

Quá trình của một tế bào chuyển dạng từ một tế bào đa diện ở lớp đáy thành một tế bào mỏng dẹt, chứa đầy keratin gọi là quá trình biệt hóa của tế bào da hay gọi là chu chuyển của da, mất trung bình khoảng 30 ngày. Tuổi càng lớn thì quá trình này mất càng nhiều thời gian.

Quá trình thay da thay đổi theo độ tuổi