Vùng da trên khuôn mặt thường mỏng hơn và chứa nhiều tuyến bã nhờn hơn các vùng da khác trên cơ thể. Đây là lí do vì sao mụn thường xuyên xuất hiện trên khuôn mặt hơn. Tuy nhiên, vùng lưng là nơi chứa nhiều tuyến bã nhờn trên cơ thể, do đó tổn thương do mụn xảy ra thường có xu hướng nghiêm trọng hơn.
Vùng da trên khuôn mặt thường mỏng hơn và chứa nhiều tuyến bã nhờn hơn các vùng da khác trên cơ thể
Da trên khuôn mặt và cơ thể khác nhau chủ yếu ở 2 điểm:
- Giải phẫu: da bao gồm 3 lớp (biểu bì, trung bì và hạ bì), có sự khác biệt rõ rệt giữa vùng da mặt và da trên cơ thể ở mỗi lớp.
- Chăm sóc da: da trên khuôn mặt đòi hỏi một chế độ chăm sóc nhẹ nhàng hơn, trong khi da trên cơ thể có thể chịu được những phương pháp điều trị mạnh hơn.
Biểu bì
Lớp biểu bì là lớp ngoài cùng trên da, chịu trách nhiệm ngăn chặn sự xâm nhập của các chất lạ vào da cũng như ngăn ngừa thoát hơi nước qua da. Biểu bì được chia thành nhiều lớp, bao gồm lớp nền và lớp sừng. Những lớp này bao gồm nhiều loại tế bào khác nhau. Lớp nền là lớp trong cùng của biểu bì. Các tế bào khác nhau trong lớp nền góp phần tạo nên màu da, cảm giác và hiệu ứng bảo vệ:
- Tế bào sừng chiếm 90% tế bào biểu bì. Trong lớp nền, các tế bào trải qua quá trình phân chia để hình thành tế bào mới liên tục để thay thế tế bào cũ. Khi các tế bào sừng cũ được thay thế, chúng di chuyển qua các lớp trên của biểu bì về phía bề mặt da, tại đây chúng sẽ bị thay đổi về mặt cấu trúc và hóa học để hình thành các tế bào gọi là “corneocyte”.
- Tế bào sinh sắc tố là những tế bào tạo ra sắc tố gọi là melanin, hình thành màu da và màu tóc. Melanin cũng giúp bảo vệ da khỏi các tia cực tím có hại trong ánh nắng mặt trời.
- Các tế bào Langerhands hình thành một phần của hệ thống miễn dịch trên da. Những tế bào này giúp phát hiện các chất lạ và bảo vệ cơ thể khỏi sự nhiễm trùng. Tuy nhiên, chúng cũng chịu trách nhiệm trong sự phát triển của dị ứng da.
- Các tế bào Merkel, còn được gọi là tế bào xúc giác, là các đầu dây thần kinh bị biến đổi chịu trách nhiệm trong cảm giác xúc giác.
Lớp sừng là lớp ngoài cùng của biểu bì. Nó không thấm nước và giúp ngăn ngừa hầu hết vi khuẩn, virus và các chất lạ xâm nhập vào cơ thể. Corneocyte là thành phần chính của lớp sừng. Những tế bào này có cấu trúc gọi là desmosome trên bề mặt của chúng để kết dính. Một lớp lipid (chất béo) bao bọc các tế bào corneocyte, giúp ngăn ngừa thoát hơi nước. Chúng cũng chứa protein và các phân tử thành phần của yếu tố giữ ẩm tự nhiên (NMF). Khi già đi, các tế bào này trở nên cứng hơn, tạo ra lớp ngoài bảo vệ da.
So sánh lớp biểu bì trên khuôn mặt và trên cơ thể
Sự phân bố các loại tế bào khác nhau trên khắp cơ thể. Nhìn chung, lớp biểu bì trên khuôn mặt mỏng hơn các phần còn lại của cơ thể, ngoài trừ bộ phận sinh dục. Ở da mặt, các tế bào corneocyte có kích thước nhỏ hơn nhưng số lượng nhiều hơn khi so sánh với những vùng da khác trên cơ thể. Sự khác nhau giữa các lớp tế bào ở da mặt và các vùng da khác trên cơ thể được mô tả trong bảng dưới đây:
Loại tế bào | Da mặt | Da cơ thể |
Tế bào keratin |
Tế bào keratin di chuyển từ lớp nền tới lớp biểu bì trên cùng mất khoảng 1 tuần. |
Tế bào keratin di chuyển từ lớp nền tới lớp biểu bì trên cùng cần 2 tuần. |
Tế bào corneocyte | Da mặt chứa 4-8 lớp tế bào corneocyte. | Hầu hết cơ thể chứa 11-17 lớp tế bào này. Duy nhất chân và lòng bàn tay chứa 23-71 lớp. Bộ phận sinh dục chứa ít nhất, khoảng 4-8 lớp. |
Tế bào sinh sắc tố | Da mặt chứa khoảng 15 tế bào trên mm2 da. Do da mặt tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nhiều hơn các bộ phận khác trên cơ thể, nên melanosome trên da mặt chịu trách nhiệm tổng hợp melanin (sắc tố da) nhiều hơn so với các phần khác trên cơ thể. | Giống như da mặt, da trên cơ thể chứa khoảng 15 tế bào trên mm2 da. Tuy nhiên, số lượng và kích thước melanosome lớn hơn ở những vùng tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời như cánh tay. |
Tế bào Langerhans | Các nhà khoa học không đánh giá được độ tập trung của các tế bào Langerhands trên da mặt. Tuy nhiên, những tế bào này cũng được tìm thấy ở màng nhầy của miệng. | Các nhà khoa học cũng không đánh giá được độ tập trung của các tế bào Langerhands trên da cơ thể. Tuy nhiên, ngoài trên da, những tế bào này cũng tồn tại ở màng nhầy của bộ phận sinh dục. |
Tế bào Merkel | Các nhà khoa học không đánh giá được độ tập trung của các tế bào Merkel trên da mặt. | Các nhà khoa học cũng không đánh giá được độ tập trung của các tế bào Merkel trên da cơ thể và bộ phận sinh dục. |
Trung bì
Lớp trung bì nằm ngay dưới biểu bì. Các mô sợi và mô đàn hồi trong lớp biểu bì tạo nên sức mạnh và độ đàn hồi cho da. Trung bì cũng chứa mạch máu, tuyến mồ hôi, tuyến bã nhờn, nang lông và đầu dây thần kinh.
- Mạch máu ở lớp trung bì cung cấp chất dinh dưỡng cho trung bì và biểu bì. Bởi vì biểu bì không chứa mạch máu, nên nó phụ thuộc vào các mạch máu lớp trung bì để nhận chất dinh dưỡng. Các mạch máu của lớp trung bì cũng đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh nhiệt độ, đây là một chức năng quan trọng của da. Nhiệt độ cao mạch máu giãn ra để máu chảy về bề mặt da nhiều hơn, giúp giải phóng nhiệt. Ngược lại, nhiệt độ thấp làm cho mạch máu co lại, điều này làm giảm lưu lượng máu đến bề mặt da để giữ nhiệt.
- Các tuyến bã nhờn thường được gắn vào nang lông. Chúng tiết ra một chất nhờn gọi là bã nhờn, làm cho da không thấm nước. Tuyến bã nhờn cũng giúp kháng khuẩn.
- Tuyến mồ hôi được chia thành 2 loại: (1) tuyến apocrine và (2) tuyến eccrine. Tuyến apocrine có nhiều ở các khu vực nhiều lông như nách và háng. Tại đó chúng tiết ra một chất lỏng có màu trắng đục tạo mùi khi tương tác với vi khuẩn trên cơ thể. Các tuyến eccrine không liên quan đến nang lông. Chúng tiết ra mồ hôi không mùi, giúp kiểm soát nhiệt độ cơ thể vì nó bay hơi ra khỏi da.
- Nang lông/ tóc chịu trách nhiệm tạo ra lông/ tóc, giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể cũng như tăng cường cảm giác. Có hai loại lông trên cơ thể: (1) lông tơ và (2) lông trưởng thành. Lông tơ mềm, mịn và chứa sắc tố có màu nhạt. Lông tơ thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh và trẻ em, nhưng phần lớn được thay thế bằng lông trưởng thành ở người lớn. Lông trưởng thành dài hơn, thô và sậm màu hơn lông tơ.
So sánh lớp trung bì trên khuôn mặt và trên cơ thể
Các thành phần của lớp trung bì khác nhau phụ thuộc vào vị trí. Ví dụ: khuôn mặt chứa nhiều mạch máu và tuyến bã nhờn hơn các vùng da khác trên cơ thể, nhưng nó chứa rất ít tuyến mồ hôi apocrine. Bảng dưới đây mô tả sự khác nhau giữa các thành phần của lớp trung bì trên khuôn mặt và các bộ phận khác trên cơ thể:
Thành phần | Khuôn mặt | Cơ thể |
Mạch máu | Chứa nhiều mạch máu hơn các bộ phận khác trên cơ thể. | Chứa ít mạch máu hơn so với trên khuôn mặt. |
Tuyến bã nhờn | Tập trung nhiều trên da đầu và khuôn mặt, có thể chứa 900 tuyến/ cm2 da. Tuyến bã nhờn trên khuôn mặt nhỏ hơn so với các vị trí khác trên cơ thể, đặc biệt là lưng. | Tuyến bã nhờn được phân bố trên toàn bộ cơ thể, ngoại trừ lòng bàn tay, lòng bàn chân và bộ phận sinh dục. Tuyến bã nhờn có kích thước lớn nhất ở vùng lưng. |
Tuyến mồ hôi | Có rất ít tuyến mồ hôi trên khuôn mặt. Tuyến mồ hôi eccrine được tìm thấy ở vùng má và trán. Trên trán, có khoảng 360 tuyến eccrine/ cm2. Trên má, có khoảng 320 tuyến/ cm2. | Tuyến mồ hôi apocrine tập trung ở nách, quầng vú (phần da tối màu hơn xung quanh nhũ hoa) và đáy chậu (vùng giữa hậu môn và bộ phận sinh dục). Tuyến này xuất hiện rất ít ở những vị trí khác trên cơ thể. Tuyền mồ hôi eccrine được phân bố hầu như trên toàn bộ cơ thể, đặc biệt ở nách, cổ tay và khuỷu tay. Tuyến này tập trung nhiều nhất ở lòng bàn chân với khoảng 620 tuyến/ cm2. Chúng cũng xuất hiện nhiều ở lòng bàn tay với khoảng 300 tuyến/ cm2. Tuyến eccrine ít nhất ở lưng (65 tuyến/ cm2) và đùi (120 tuyến/ cm2). |
Nang lông | Trước tuổi dậy thì, cả nam và nữ đều có lông tơ trên khuôn mặt. Trong suốt quá trình dậy thì, hormone giới tính tăng lên khiến lông tơ được thay thế bằng lông trưởng thành trên khuôn mặt ở nam giới. Ngược lại, nữ giới vẫn giữ lông tơ trên khuôn mặt sau khi dậy thì. | Trước tuổi dậy thì, lông tơ được phân bố ở hầu hết các bộ phận của cơ thể, ngoại trừ trán, mí mắt, mũi, môi, rốn, lòng bàn tay và một số phần xung quanh bộ phận sinh dục cũng như bên trong tai. Trong quá trình dậy thì, lông tơ được thay thế bởi lông trưởng thành. Ở nam giới, lông trưởng thành được thay thế ở vùng ngực, bụng, chân và cánh tay. Ở nữ giới, lông tơ vẫn được giữ ở vùng ngực và lưng. |
Hạ bì
Hạ bì là lớp trong cùng của da. Nó chứa một lớp mỡ cách nhiệt cho cơ thể, bảo vệ cơ thể khỏi nhiệt độ nóng và lạnh. Mô mỡ của vùng hạ bì được gọi là lớp mỡ dưới da. Lớp mỡ dưới da cũng cung cấp một lớp đệm bảo vệ và dự trữ năng lượng cho cơ thể.
So sánh lớp hạ bì trên khuôn mặt và trên cơ thể
Yếu tố di truyền ảnh hưởng đến sự phân bố của lớp mỡ dưới da. Các yếu tố bên ngoài như chế độ ăn uống và tập thể dục ảnh hưởng đến độ dày của lớp này. Nhìn chung, lớp mỡ dưới da dày nhất ở vùng đùi, hông và mông ở nữ giới. Ở nam giới, lớp mỡ dày nhất ở bụng và đùi. Ở cả hai giới, vùng mỡ dưới da dày nhất ở má. Nghiên cứu cho thấy số lượng tế bào mỡ (tế bào dự trữ chất béo) không đổi sau khi dậy thì ở những người gầy.
Xem thêm: Tất tần tật thông tin giày LV chính hãng